Tìm hiểu chân dung của người thuê căn hộ chung cư
Mục đích mua để đầu tư chiếm tỷ lệ 7,74%, để ở 31,44% và mục đích khác 60,82% cho thấy mục đích sử dụng linh hoạt khi mua nhà.
Tại VietArc 2011 diễn ra ở TP.HCM tháng 6.2011, công ty Nhà Vui đã điều tra 439 người trong số những vị khách đến VietArc theo một bảng câu hỏi nghiên cứu về nhu cầu nhà ở – kiến trúc
Dưới đây chúng tôi giới thiệu kết quả chung qua phần phân tích của KTS Nguyễn Thu Phong, tổng giám đốc công ty Nhà Vui với hy vọng phần nào nêu lên những đặc điểm chính của một số người tiêu dùng đang có nhu cầu về nhà ở.
Đa số người dưới 40 tuổi chưa có nhà ở riêng
Cỡ mẫu của cuộc điều tra là 439 người, có chung mối quan tâm đến kiến trúc, nhà ở và cùng xuất hiện ở triển lãm Vietarc. (bảng 1,2)
Kết cấu độ tuổi từ 439 phiếu điều tra là hoàn toàn ngẫu nhiên. Điều này cho thấy khách tham dự sự kiện VietArc 2011, triển lãm kiến trúc chuyên ngành, nơi quy tụ các nhà chuyên môn, khách hàng và đối tác ngành kiến trúc, vật liệu xây dựng và bất động sản là những người trẻ, có trình độ chuyên môn nghề nghiệp ổn định. Hơn 80% người tham dự phỏng vấn là dưới 40 tuổi cũng thể hiện tiềm năng lớn của lực lượng lao động chính trong xã hội. Nhu cầu có căn nhà đầu tiên từ nhà thuê hay nâng cấp lên một bất động sản nhà ở có diện tích lớn hơn và chất lượng cao hơn là nhu cầu có thực, mang tính chuyển động và phát triển trình độ, mức độ chất lượng sống của lớp viên chức trẻ tại các thành phố lớn như TP.HCM.
Kết quả điều tra cho thấy 30,52% đang ở với cha mẹ, 24,83% đang ở nhà thuê. Như vậy gần 55% cần có nhà ở riêng, nhà ở đầu tiên sở hữu của cặp vợ chồng trẻ (dưới 40 tuổi). Như đã nói về khách VietArc, giới tiêu dùng trẻ này thật sự tiềm năng cho những nhà hoạch định sản phẩm bất động sản.
Số lượng 25% đang ở nhà thuê là một tỷ lệ quan trọng vì nhu cầu cấp bách. Điều đáng nói là Việt Nam chưa hình thành một thị trượng bất động sản cho thuê chuyên nghiệp với đối tượng này (Service Apartment chỉ cho dành chuyên gia cao cấp người nước ngoài), chưa hề tồn tại các doanh nghiệp xây nhà chuyên cho thuê ở phân khúc này. Vậy số lượng người tiêu dùng trẻ này đang thuê ở trong nhà dân, tại các chung cư trung bình thuê lại của nhà đầu tư thứ cấp, thuê ở chung phòng cùng các bạn, thuê nhà ngoại thành… Nhu cầu này được xã hội hoá tự phát từ thị trường do người dân sáng tạo tự cơi nới, không chuyên cho thuê nhà nên cũng bộc lộ nhiều điều thiếu chuyên nghiệp. Các chỉ số này cho thấy nhu cầu cấp bách của người dân trong phân khúc nhà ở chung cư dưới 1 tỉ đồng cho một căn hộ/nhà ở. Phân khúc trung cao (từ 1 – 2 tỉ/đơn vị ở) cũng sẽ có nhu cầu cao trong giai đoạn 2013 – 2014 vì đây cũng là thị trường cơ bản để chuyển đổi lên căn hộ có chất lượng cao hơn, diện tích lớn hơn (từ 50 – 60m2 lên 70 – 100m2 chẳng hạn) hoặc gần trung tâm hơn.
Lạc quan trong 5 năm tới
Có 61,96 % người trả lời tin rằng sẽ đủ tiền nghĩ đến chuyện mua và đổi nhà mới trong vòng dưới 5 năm. Đây là điều không dễ dàng với số đông người lao động làm công ăn lương kể cả ở các quốc gia khác. Con số 43,05% dự định mua ngay trong vòng 1 – 2 năm là rất ấn tượng. (bảng 4).
Kết quả thú vị và khá lạc quan này thể hiện niềm tin chung của người dân vào triển vọng kinh tế quốc gia (Việt Nam đã có lần có thứ hạng cao trong tiêu chí này khi so sánh với người dân các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới). Cũng có thể có tâm lý bị lôi kéo vào công cuộc “nhà nhà đầu tư bất động sản, người người đầu tư bất động sản” từ số đông các nhà môi giới, phát triển bất động sản. Tâm lý chỉ cần 200 – 300 triệu đồng cũng có thể sở hữu một nền đất bất động sản ven đô đã làm dao động rất nhiều bạn trẻ, người lao động lao vào cuộc đầu tư này với tâm lý lướt sóng, kiếm thêm tiền để trước khi đủ tiền thực sự có một nhà ở ưng ý gần nội đô làm tổ ấm.
Dù vậy, tôi vẫn cho rằng nhu cầu này là có thật và bền vững, số người sẵn sàng mua trong vòng 5 năm là rất lý tưởng.
Xét từ thời điểm 2011, khả năng phục hồi chắc chắn của thị trường phải từ giai đoạn 2013 – 2015. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định kinh tế, vào sự mạnh mẽ của nội tệ, khi mà đồng tiền Việt không bị lạm phát “nuốt” hết tích trữ của người tiêu dùng trẻ dành cho chuyện mua nhà.
Chọn căn hộ, sử dụng linh hoạt và dựa vào uy tín nhà thầu, kiến trúc sư
Đây là những đặc điểm cần nhấn mạnh từ kết quả cuộc điều tra.
Mục đích mua để đầu tư chiếm tỷ lệ 7,74%, để ở 31,44% và mục đích khác 60,82% cho thấy mục đích sử dụng linh hoạt khi mua nhà.
Về loại hình nhà ở, khoảng mười năm trước, nhà phố chiếm tỷ lệ áp đảo, “tư duy” 4 x 16m còn thông dụng thì nay căn hộ đã xuất hiện với tỷ lệ cao hơn hẳn so với nhà liên kế – biệt thự và loại hình nhà ở khác. Đặc biệt, tỷ lệ này cao áp đảo ở lứa tuổi dưới 30. Ở đây, rõ ràng căn hộ đã là một loại hình nhà ở phổ biến trong lựa chọn. (bảng 6)
Với các yếu tố kỹ thuật, sự lựa chọn của người tiêu dùng tham gia phỏng vấn được chọn ưu tiên theo thang điểm từ 1 – 7. Kết quả tổng hợp thể hiện ở bảng 7.
Uy tín của nhà đầu tư/ kiến trúc sư/ nhà thầu được xếp hạng hai chỉ sau yếu tố giá – điều kiện thanh toán. Đây là kết quả đáng mừng, thể hiện sự hiểu biết và tin cậy của người mua đối với sản phẩm. Các chủ đầu tư cần nắm rõ yếu tố này để làm tốt từ khâu thiết kế, thi công với các nhà thầu uy tín trong và ngoài nước. Có thể nói rộng hơn, sự quan tâm này cũng sẽ liên đới đến những hiểu biết tiếp theo về chất lượng giải pháp thiết kế, chất lượng thi công.
Cũng có yếu tố khách quan là đối tượng điều tra tại VietArc cũng là dân chuyên môn như kiến trúc sư, kỹ sư, người kinh doanh vật liệu xây dựng, bất động sản nên am hiểu và để ý khía cạnh này. Tuy vậy, điểm tích cực là đối tượng này tham gia mua nhà cho chính họ và có tính dẫn dắt cho khách hàng của họ. Bởi trí thức trẻ ở đây cũng thông minh trong việc đưa kiến thức nghề nghiệp của mình vào yếu tố tâm lý chọn mua nhà. Nếu họ mua được sản phẩm nhà ở chất lượng (có kiến trúc sư, nhà thầu, chủ đầu tư uy tín) thì họ cũng tự tin khi sửa chữa, trang trí nội thất trước khi ở, cho thuê lại hay dễ dàng sang nhượng, bán lại khi cần có giải pháp thay thế.
Không chỉ ở góc độ chủ đầu tư hay người mua, ở góc độ như thiết kế – thi công, các doanh nghiệp cần đầu tư chất lượng, nâng cao uy tín hơn nữa không chỉ cho chủ đầu tư hài lòng mà còn phục vụ và giữ uy tín cho người mua cuối cùng thụ hưởng và tin tưởng ở thương hiệu tạo nên sản phẩm.
Leave a Reply