Tìm hiểu thị trường căn hộ chung cư cho thuê
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, chỉ yêu cầu chủ đầu tư hơn 30 khu chung cư hiện đại rà soát trong
Dù chưa có quyết định cuối cùng của cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng sử dụng căn hộ chung cư sai mục đích, thị trường cho thuê căn hộ chung cư tại Hà Nội vẫn đang bị xáo trộn mạnh.
Sau khi Bộ Xây dựng đề nghị UBND 6 tỉnh, thành phố lớn chấn chỉnh tình trạng sử dụng sai mục đích căn hộ chung cư (CHCC) hồi cuối tháng 11/2009, rất nhiều chủ CHCC và khách hàng đang khẩn trương di dời văn phòng, cơ sở kinh doanh khỏi khu chung cư.
Chủ nhà, người thuê lo sốt vó
Bà Đặng Thúy Hạnh, nhà C10 tập thể Nam Thành Công, Hà Nội, đang lo ngay ngáy bởi hai căn hộ ở tòa nhà Vườn Xuân (71 Nguyễn Chí Thanh) và 34T (khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính) chuyên cho người nước ngoài hoặc doanh nghiệp thuê sẽ bị mất giá. Đầu tháng 11 năm trước, một số doanh nghiệp đã đàm phán thuê căn hộ của bà, nhưng vì lo sớm muộn sẽ bị cấm nên họ đã rút ý định.
Ông H., chủ một doanh nghiệp thiết kế đồ họa đang thuê văn phòng làm việc tại nhà N3B, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy) cũng đứng ngồi không yên: “Công ty tôi mới thành lập với hơn 10 nhân viên, còn nhiều khó khăn mới phải vào khu tái định cư xa xôi vì giá thuê chỉ 6 triệu đồng một tháng. Nay nếu bị đuổi, tiền đâu mà xuống phố”. Theo ông H., cả tầng có 8 căn hộ thì 50% là văn phòng của các doanh nghiệp nhỏ, giao dịch chủ yếu qua điện thoại và internet. “Chúng tôi đều hiểu phận ngụ cư của mình, luôn bảo nhau “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” và chấp hành đầy đủ quy định chung nên chưa bị ai phàn nàn gì”, ông H. cho biết.
Doanh nghiệp lo lắng vì đã thuê căn hộ chung cư để kinh doanh. Ảnh: Đức Long.
Liên hệ với một số công ty môi giới bất động sản, chúng tôi đều được tư vấn: “Thuê văn phòng tại chung cư rủi ro rất cao, nên lựa chọn nhiều phương án khác, đặc biệt là các địa điểm cao ốc văn phòng đang hạ giá mạnh”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Thương mại và du lịch Đường mòn xanh, vẫn lắc đầu vì cho dù giá văn phòng hạng C tuy giảm còn 12 – 15 USD/m2 mỗi tháng nhưng vẫn quá đắt so với căn hộ mà ông đang thuê ở nhà tái định cư B4 phố Trần Đăng Ninh.
Có thể kinh doanh tầng một?
Ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thống kê, phân loại tình trạng sử dụng CHCC làm cơ sở kinh doanh, văn phòng, từ đó chủ động đề xuất, thỏa thuận phương án giải quyết phù hợp (đối tượng nào cho phép tồn tại, cấm), lộ trình thực hiện…, căn cứ tình hình thực tế từng địa phương.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, chỉ yêu cầu chủ đầu tư hơn 30 khu chung cư hiện đại rà soát trong phạm vi quản lý có bao nhiêu căn hộ thuộc diện sử dụng trái mục đích. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tổng hợp, kiến nghị biện pháp xử lý và lộ trình thực hiện cụ thể trình UBND thành phố và Bộ Xây dựng. Trong đó, dự kiến cân nhắc cho tồn tại diện văn phòng 3 – 4 người giao dịch nhỏ lẻ, ở tầng một thông thoáng, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cộng đồng.
Bà Lê Hồng Trà My, Giám đốc Công ty TNHH Lê Em (nhà N05 – khu đô thị Dịch Vọng) lại thắc mắc, những văn phòng trong CHCC thuộc sở hữu của chính chủ doanh nghiệp, vừa làm việc vừa ở với 4 – 5 nhân viên, giao dịch trực tiếp rất ít, sẽ được xử lý thế nào? Lãnh đạo Phòng Quản lý nhà ở và kinh doanh bất động sản của một số Sở Xây dựng thừa nhận đang lúng túng xác định những trường hợp có thể mở văn phòng trong CHCC.
Leave a Reply